Kiến “người bảo vệ” cho vườn cây ăn trái
Phát triển nông nghiệp sạch ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hướng tới việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây ăn trái là một hướng đi đúng được rất nhiều chủ vườn đã và đang thực hiên rất hiệu quả. Để quản lý cỏ dại mọc trong vườn “vô tổ chức” các chủ vườn trồng các loại cây che phủ như cây lạc dại vừa kiểm soát tốt cỏ dại mọc lại giúp cải tạo đất. còn phần phía trên cây để giúp chống lại các loại sâu ăn lá sâu đục thân, sâu vẽ bùa… các nhà vườn đã nuôi kiến vàng.
Ở nước ta đã từ rất lâu, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có tập quán đem tổ kiến Vàng về buộc trê cây trong vườn cây có múi như cam, quýt, bưởi… các vườn cam quýt có mặt kiến vàng không còn kiến hôi (kiến đen làm cam quýt sượng và mát nước. Nhiều nhà vườn đã thấy sự xuất hiện của kiến vàng trong các vườn cây có múi làm cho trái bóng, ngọt và nhiều nước hơn. Tuy nhiên các bác nông dân chưa hiểu rõ lợi ích của kiến vàng, là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Cây Ăn Quả Miền Nam.
Kiến vàng đang kiếm mồi trên cành cây
Cách gây đàn, nhân đàn và chăm sóc đàn kiến sao cho hiệu quả cao nhất.
+ Thời gian thả và gây đàn kiến tốt nhất là vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch bởi vì gia đoạn này hình thành kiến chúa, kiến đực đàn kiến phát triển nhanh và phân đàn nhiều.
+ Để đàn kiến phát triển nhanh và di chuyển thuận lợi cần nối những sợi dây từ cây này sang cây kia, và dùng dây điện thoại hay dây mạng cũ là tốt nhất, nếu dùng dây mới mùi nhựa sẽ khiến kiến sợ và không di chuyển qua.
+ Đàn kiến trong vường cũng cần cho ăn nhưng chỉ cho ăn một lượng vừa đủ một tháng cho ăn khoảng 1 đến 2 lần, vì nếu cho ăn nhiều kiến sẽ lười đi kiếm mồi, còn nếu ít thức ăn quá kiến sẽ bỏ đi, thức ăn cho kiến là ruột gà, ngan, vịt, lơn…
+ Trước khi thả kiến vào vườn cây bà con cần lưu ý diệt kiến đen trước vì kiến đen là thiên địch của kiến vàng, và diệt luôn kiến vàng trên cây nếu có, trường hợp không diệt được kiến vàng cũ trên cây thì cần thả kiến mới từ trên cao xuống để kiến vàng mới dồn kiến cũ xuống phía gốc cây. Tránh tình trạng chúng cắn nhau tiết ra chất dịch làm cành cây khô và chết.
+ Trong quan hệ ký sinh kiến hôi là kẻ chuyên tha ấu trùng rầy mềm và rệp dính từ nơi có lá già đến chỗ có lá non hay hoa, quả nhiều dinh dưỡng. kiến hôi lợi dụng dịch tiết chất đường mật của rệp dính và rầy mềm để sống bằng cách chúng dùng chân cọ quẹt để kích cho bạn cộng sinh tiết ra chất đường mật để chúng liếm hút. Sự cộng sinh này có lợi cho cả hai bên nên cây ăn quả có kiến hôi thì kèm theo là có rầy mền, rệp dính, đồng thời nấm bồ hóng cũng phát triển do cả rầy, rệp và kiến cùng tiết ra chất đường, bột dư thừa trong quá trình sinh sống của chúng. Vì vậy cần loại bỏ kiến hôi ra khỏi vườn cây càng nhanh càng tốt.
Chú ý: Khi vườn cây cần phun thuốc BVTV thì nên phun vào lúc chiếu mát, khi kiến đã về tổ, để tránh ảnh hưởng tới đàn kiến. hoặc trước khi thu hoạch để tránh sự tấn công của đàn kiến thì cần đặt thức ăn cạnh những nơi gần tổ kiến để kiến tập kết hết ở đó. Việc thu hái sẽ thuận lợi hơn.
Nuôi kiến Vàng trong vườn cây ăn trái là một phương pháp sản xuất nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường giúp đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sống vì ít hoặc hầu hết không cần sử dụng tới thuốc BVTV trong quá trình sản xuất. Đây là một cách làm không mới nhưng đem lại hiệu quả thiết thực giúp phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững. vì vậy đây là phương pháp cần được nhân rộng trên vườn cây trong cả nước.