Trong những năm đầu tiên còn gặp khó khăn, anh Lộc nhân giống trồng 50 cây và chỉ thu hoạch được được 2 quả ở năm thứ hai. Sau khi tìm ra cách trồng hiệu quả, chàng trai sinh năm 1990 mạnh dạn tiến hành trồng 2.000 cây và cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, với giá bán 80.000-100.000 đồng một kg. Trong năm 2019, anh Lộc đã cho mở rộng diện tích vườn gieo trồng thêm 10ha, đạt tổng diện tích 40ha toàn vườn. Đồng thời, sản lượng na Thái dự kiến đạt 15 tấn.
Anh Bùi Văn Lộc chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu thử nghiệm sản phẩm. Ảnh: Lê Phúc. |
Giống na này có xuất xứ từ Thái Lan, được anh Lộc mua từ tỉnh Đồng Nai về để ghép với cây na dai bản địa. Ưu điểm của loại na Thái này là kháng sâu bệnh tốt, thời gian chín kéo dài và bảo quản được lâu, mẫu mã rất đẹp. Để trồng loại cây này, anh Lộc đã dành nhiều thời gian. Anh tâm sự: "Cây na là loại cây trồng rất khó tính, chăm sóc rất khó, gần như ngày nào chúng tôi cũng phải quan sát, chăm sóc và tìm tòi, học hỏi vì nó rất nhiều sâu bệnh, kỹ thuật làm rất khó trong khi chúng tôi cũng chưa được quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật, tất cả chỉ là học hỏi nhau".
Cây na là loại cây trồng rất khó chăm sóc, đòi hỏi sự quan tâm tỉ mỉ của người trồng. Ảnh: Lê Phúc. |
Bên cạnh những kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây, một trong những yếu tố ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng giống na Thái chính là điều kiện tự nhiên của vùng đất Mai Sơn. Khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với loại na này nên không chỉ cho quả to mà còn ít hạt, thơm ngon, đáp ứng tốt các nhu cầu của thị trường.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ giống Mãng Cầu Hoàng Hậu, rất nhiều hộ gia đình tại Mai Sơn đã tìm đến anh Lộc để lấy giống na và học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh các chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, huyện Mai Sơn đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã.
Năm 2017, anh Lộc đã kết hợp với với các hộ gia đình khác thành lập Hợp tác xã Bảo Khánh, tập trung phát triển các giống na. Hợp tác xã được thành lập, là cơ hội để anh Lộc cùng các hộ gia đình khác đồng bộ hóa quy trình nuôi trồng, cơ sở để chứng nhận an toàn thực phẩm. Anh Lộc cũng thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng và kinh doanh giữa các hộ trong địa phương.
Hợp tác xã còn là cầu nối liên kết doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Ảnh: Lê Phúc. |
Năm 2018, Hợp tác xã Bảo Khánh đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap, khẳng định được chất lượng sản phẩm và chuyên nghiệp trong thực hành sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Hợp tác xã Bảo Khánh đã mở rộng tới 22 hộ, hứa hẹn có những đóng góp hết sức tích cực vào xuất khẩu nông sản Sơn La.
Hiện nay, tất cả các sản phẩm na Thái của Hợp tác xã Bảo Khánh đều được dán tem truy xuất để cung cấp thông tin về nguồn gốc cũng như giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm của Hợp tác xã Bảo Khánh với các đơn vị khác.
Vào ngày 25/8/2018, Sơn La đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận na Thái Mai Sơn. Ông Lò Minh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: "Na Thái Mai Sơn sau khi được chứng nhận giúp tiêu thụ tốt hơn, giá tiêu thụ tốt hơn, trong thời gian nhanh hơn các sản phẩm khác. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng trong vùng quy hoạch, để có thêm nhiều sản phẩm thực hiện đúng quy trình sản xuất VietGap, có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường".
Na Thái Mai Sơn đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong thị trường nông sản Việt Nam, là đặc sản mũi nhọn của thị trường nông sản Sơn La. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu và thực hành sản xuất nông nghiệp của những người nông dân.