1
Điện thoại: 086.8765.888
Liên hệ với chúng tôi tại:
Liên hệ:
Chào mừng bạn đến với Trung tâm giống cây trồng Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam.Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn: 086.8765.888
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ hiệu quả
13/06/2020
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ hiệu quả

I.Tổng quan về cây bơ

Cây bơ có nguồn gốc từ nước Mexico, ở nước ta cây bơ được trồng khắp cả nước nhưng tập trung  nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Cây bơ thích nghi với nhiều loại đất trồng khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là loại đất đỏ bazan, đất có khả năng thoát nước tốt. Nhiệt độ phát triển thích hợp cho cây bơ là từ 15 – 250C, tuy nhiên khả năng  thích nghi của cây  bơ còn phụ thuộc vào  giống bơ.

Lượng mưa thích hợp phải đạt từ 1.200 – 1.500mm. Độ pH đất từ 5 - 7 Ở vùng đất quá dốc thì nên thiết kế theo đường đồng mức, tạo băng để hạn chế xói mòn.
 

kỹ thuật trồng bơ
Bơ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

II.Một số giống bơ phổ biến

Giống bơ có vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất, chất lượng của cây bơ. Mỗi giống bơ khác nhau đều cho hương vị  riêng. Có thể kể đến một số giống bơ phổ biến ở nước ta:  BOOTH7, bơ sáp, bơ 034…

Tuy có nhiều giống bơ, nhưng chủ yếu bơ có 3 chủng chính: chủng Mexico (chịu lạnh tốt, hàm lượng chất béo cao. Tuy nhiên quả nhỏ, hạt lớn, thịt quả ít so với 2 chủng bơ còn lại); chủng Guatemala ( khả năng chịu lạnh, hàm lượng chất béo không bằng chủng bơ Mexico.Quả có màu sẫm, vỏ quả sần sùi); chủng West indian ( hàm lượng chất béo không cao, khả năng chịu lạnh kém. Tuy nhiên quả to  nếu trồng ở điều kiện thuận lợi quả bơ sẽ phát triển rất to, mẫu mã đẹp).

III.Kỹ thuật nhân giống bơ

Vì cây bơ có đặc tính thụ phấn chéo, nên để giữ được các đặc tính của cây  mẹ thì bà con nên sử dung phương pháp nhân giống vô tính: ghép, chiết…

Phương pháp ghép chồi: 

Đây là phương pháp nhân giống bơ phổ biến nhất hiện nay được nhiều vườn ươm, bà con nhà vườn ưu tiên lựa chọn.

+ Gốc ghép ( từ 3 - 4 tháng tuổi, cao khoảng 50 - 60cm), gốc ghép phải mập, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, gốc ghép thẳng.

+ Chồi ghép:  dài khoảng 5 – 8cm, chồi  khỏe, sạch sâu bệnh, lá màu xanh sẫm, trước khi ghép cần cắt bỏ lá.

+ Kéo cắt cành, dao sắc, dây buộc vết ghép ( bà con nên chọn loại dây tư hủy).

+ Cách làm: 

Bước 1: Dùng  dao sắc cắt đôi thân gốc ghép, vị trí cắt cách gốc 20 – 30cm. Sau đó dùng dao chẻ dọc thân ghép khoảng 2cm.

Bước 2:  Ở trên chồi ghép, sau khi đã cắt bỏ lá, bạn dùng dao sắc vát gốc chồi ghép hình chữ V bằng với vết chẻ ở trên góc ghép. Sao cho vết cắt ở chồi ghép khít với vết cắt ở gốc ghép.

Bước 3:  Dùng dây đã chuẩn bị bọc vết ghép lại. Bà con chú ý quấn chặt vết ghép ngăn không cho nước mưa thấm vào.

Bước 4: Chăm sóc cây ghép. Bà con chuyển cây ghép vào nơi bóng mát hoặc sử dụng lưới nông nghiệp để che nắng. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khoảng 20 - 25 ngày bà con cần chọn các chồi khỏe mạnh, loại bỏ các chồi không phát triển.

-    Ghép cải tạo vườn bơ:

Trên cành bơ già cần ghép cải tạo bà con cắt bỏ phần ngọn. Phần cành bơ bà con để chồi phát triển. Trên 1 cành bà con chọn 2 - 3 chồi già để ghép cải tạo.

Bà con cần loại bỏ các chồi không cần thiết, sau khi ghép 15 - 20 ngày chồi ghép sẽ phát triển bà con nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm các sâu bệnh hại để có phương pháp sử lý kịp thời. Cách thức ghép tương tự như ghép chồi chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.

Tuy nhiên một số điểm bà con cần lưu ý: chồi ghép thường  từ 3 - 5 mắt, chồi của gốc ghép sẽ dài  khoảng 8 – 10cm. Khi quấn nilong cần quấn chặt không cho nước ngấm vào làm hỏng chồi ghép.

IV.Quy trình bón phân cho cây bơ

1.Trồng mới

Tùy vào địa hình và điều kiện tự nhiên của vùng trồng mà mật độ trồng và cách chuẩn bị đất trồng khác nhau:

– Trồng thuần: Khoảng cách trồng 6 x 8 m (đối với đất đỏ bazan) hoặc 4 x 6 m, 6 x 6m… (đối với đất khác), với mật độ từ 200 – 400 cây/ha.

– Trồng xen: Có thể trồng xen trong vườn cà phê, ca cao, chè,… trồng mới, tái canh (ghép cải tạo hoặc trồng lại) và vườn kinh doanh, khoảng cách trồng 9 x 9m, 9 x 12 m… xen ngã tư giữa 4 cây và ven lô.

Mật độ khoảng 100 cây/ ha.
Quy cách hố trồng:  Bà con có thể đào với khoảng cách 50 x 50 x 50cm hoặc 60 x 60 x 60cm…

Khi làm bồn xong bà con nên bón lót 2 - 3kg phân bón hữu cơ/gốc. Đảo đều với đất, tưới nước giữ ẩm sau 20 - 30 ngày mới xuống giống sẽ giúp cây phát triển tốt và tăng khả năng đề kháng sâu bệnh hại về sau.

2.Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Chia làm 6 - 8 lần trong năm tùy vào sức khỏe và độ tuổi cây trồng mà căn lượng bón cho phù hợp. Nên bón vào thời điểm cơi đọt đã già chuẩn bị đón cơi đọt mới.

Năm đầu tiên: Sau khi trồng khoảng 20 - 30 ngày bắt đầu bón thúc cho cây: Sử dụng sản phẩm phân bón hưu cơ  thường từ 4 - 6kg/cây chia làm 6 - 8 lần bón, bón cách gốc 20 - 30cm tưới dẫm nước.

Năm thứ 2: Bón như năm đầu tiên, tăng thêm lượng phân từ 2 - 3kg tùy theo thổ nhưỡng và mức độ phát triển của cây.
 

bơ bón phân ong biển
Bơ đạt năng suất chất lượng vượt trội khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh 

3.Giai đoạn kinh doanh

Năm thứ 3 trở đi: Nếu là bơ ghép thì từ năm thứ 3 cây bắt đầu ra quả bói. Nên để lại số lượng quả tùy theo sức của cây. Thông thường là 1 - 3 quả/cành. Khi quả được 1 tháng đến khi thu hoạch (5 - 6 tháng) tiến hành bón 3 đợt phân. Sau khi thu hoạch dọn dẹp, tỉa cành bón phục hồi cây:

Lần 1: Sau thu hoạch, tỉa cành bón từ 4 - 6kg/gốc, tưới nước sau khi bón phân nhằm tạo bộ lá khỏe mạnh và xum xuê trong thời gian ngắn nhất.

Lần 2: Trước khi cây ra hoa 25 - 30 ngày : thúc ra hoa sử dụng  từ 4 - 6kg/gốc. Có thể bổ sung thêm 1 - 2kg lân giúp cây tăng khả năng phân hóa mầm hoa.

Đối với những loại bơ phải rụng lá mới ra hoa thì bà con vẫn nên xử lý theo phương pháp truyền thống.

Lần 3: Khi cây hình thành trái nhỏ (đường kính trái khoảng 2cm): Sử dụng 4 – 5kg/gốc 

Trong thời gian cây trổ hoa và hình thành trái non không nên sử dụng các loại phân bón gốc và thuốc BVTV  tránh tình trạng sốc ảnh hưởng đến cây trồng.

Lần 4: Nuôi trái: Sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ khoảng 4 – 6kg/gốc kết hợp kali giúp trái phát triển đều đẹp và không bị sượng. Thời gian nuôi trái cây bơ khá dài nên bà con có thể chia làm nhiều lần bón sau khi bón lần 3 là 30 - 40 ngày.

Nếu chủ động nguồn nước nên chia nhỏ số lần bón như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng vẫn tập trung phân bón cho 4 lần chính như trên để cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.

Quy trình cân đối cho cây kinh doanh cho năng suất 100 - 120kg/cây. Tùy vào năng suất và thổ nhưỡng từng vùng mà bà con cân đối lượng phân bón cho phù hợp lượng phân cho các năm tiếp theo sẽ tăng dần 10 - 15% khi cây cây cho trái ổn định (8 - 10 năm tuổi).

V.Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây bơ

Việc  tỉa cành  cành, tạo tán rất quan trọng trong việc quyết định năng suất bơ. Khi tỉa cành bà con sẽ tạo cho cây bơ có tán cân đối, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành không cho trái, cành bị che nắng, giúp cây bơ khỏe mạnh, tập trung dinh dưỡng ở những cành cho trái, cây không bị gãy cành khi gió lớn...

Tạo tán: Từ năm thứ 2 bà con sẽ bắt đầu tiến hành tạo tán. Bà con nên để cây bơ có 1 thân chính, các cành cấp 1 của cây mọc cách mặt đất khoảng 70 - 80cm.  các cành của cây phân bố đều để tạo thành tán mâm xôi hoặc “ bàn tay xòe” .

Tỉa cành: Việc tỉa cành sẽ bắt đầu thực hiện trong suốt quá trình phát triển của cây (từ lúc cây được 1 năm tuổi). Bà con tiến hành cắt bỏ chồi vượt, cành mọc sát mặt đất. Còn đối với cây bơ  trong thời kỳ kinh doanh bà con có thể chia làm 2 lần tỉa cành chính: sau khi thu hoạch và trước khi ra hoa 2 - 3 tháng. 

Khi tỉa cành bà con loại bỏ các cành khô, cành sâu bệnh tấn công, cành không mang trái, cành che bóng…

Sau khi cắt tỉa cành xong bà con cần thu gom cành bơ để tiến hành phơi khô rồi đốt, tránh đẻ trong vườn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại tấn công đặc biệt là bọ xít muỗi.

VI.Sâu bệnh hại trên cây bơ

Ghẻ quả trên cây bơ:

Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, bệnh ghẻ xuất hiện ở trên lá, chồi non, quả bơ . bà co có thể nhận biết bệnh ghẻ trên bơ: trên quả bơ có các vết xám, nâu, khi bệnh suất hiện sẽ liên kết với nhau tạo thành các mảng lớn trên lá, quả. Bệnh ghẻ là giảm chất lượng của bơ, gây rụng trái, mẫu mã không đẹp.

Mọt đục cành :

Mọt phát triển nhiều vào mùa khô trên các cành non, cành tơ khiến cành bị khô. Mọt gây hại bằng cách xâm nhập vào cành thông qua các các lỗ nhỏ và đẻ trứng.  Cành  bị mọt tấn công sẽ có màu nâu sẫm, héo rũ, rồi khô và chết. 

Rệp sáp:

Rệp sáp thường phát triển trong điều kiện nóng và ẩm, khi cây bị thiếu nước. Rệp đẻ trứng trên các kẽ, nách lá  non; chùm hoa, quả non. Rệp chích hút nhựa của lá, hoa, quả non làm khô trái, rụng lá, rụng hoa.

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ, để cây bơ cho năng suất, chất lượng cao bà con cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khác nhau.

                                                                    Chúc bà con vụ mùa bội thu.