1
Điện thoại: 086.8765.888
Liên hệ với chúng tôi tại:
Liên hệ:
Chào mừng bạn đến với Trung tâm giống cây trồng Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam.Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn: 086.8765.888
Đi tìm 'lai lịch' cây mận Mộc Châu
25/06/2020
Đi tìm 'lai lịch' cây mận Mộc Châu
Ông Nguyễn Tiến Dũng bên vườn mận được đánh giá đẹp nhất Mộc Châu. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Tiến Dũng bên vườn mận được đánh giá đẹp nhất Mộc Châu. Ảnh: Lê Bền.

Không chỉ có những vườn mận cao tuổi nhất ở cao nguyên Mộc Châu, Thung lũng mận Nà Ka (tiểu khu Pa Khen, Thị trấn Nông trường Mộc Châu) hiện nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc HTX Nông sản sạch Mộc Châu (Tiểu khu Pa Khen) là người gắn bó với cây mận từ những ngày đầu tiên loại cây ăn quả ôn đới này có mặt ở đất Mộc Châu. Ông cũng là người đầu tiên trồng mận ở Pa Khen, sở hữu vườn mận được đánh giá là đẹp nhất Mộc Châu.

Ông Dũng kể rằng năm 1981, Giám đốc Nông trường bò sữa Cờ Đỏ lúc ấy là ông Lê Văn Lãng, trong một lần đi nhận đàn bò sữa viện trợ nước ngoài ở Nông trường Thái Bình (Lạng Sơn), thấy cây mận tại đây ăn rất ngon.

Ông Lãng liền “đặt hàng”, chiết những cành mận từ Lạng Sơn đưa lên Nông trường Cờ Đỏ (sau này là Nông trường Mộc Châu), khuyến khích mỗi hộ dân nông trường trồng 15 cây mận để cải tạo vườn tạp.

Thung lũng mận Pa Khen, nổi tiếng bây giờ, tại thời điểm năm 1981 còn chưa biết mặt mũi cây mận là gì.

Chỉ có gia đình ông Dũng là hộ đầu tiên ở Pa Khen, được một công nhân của Nông trường Cờ Đỏ cho 3 cây mận về trồng, sau này cây mận dần có giá trị, người dân mới chiết lấy cành từ vườn ông Dũng và các vườn mận ở Tiểu khu Cờ Đỏ để mở rộng dần thành vùng mận ở Pa Khen như ngày nay.

Ông Dũng cho biết, đến khoảng năm 2010, những vườn mận vốn được trồng từ những năm sau 1980 ở Pa Khen, không được chăm sóc bài bản, đa số đều đã già cỗi, một số hộ đã sắp chặt bỏ.

Rất may là sau đó, Viện Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) đã triển khai một dự án nhằm trẻ hóa vườn mận cho bà con nơi đây.

Theo đó, những gốc mận già cỗi được đốn đau, hạ độ cao, cải tạo bộ rễ. Nhờ đó, các vườn mận dần được trẻ hóa, ra bộ cành mới, rễ mới. Riêng gia đình ông Dũng, đến nay vườn mận hơn 3ha, trồng từ thập niên 80 hiện vẫn cho năng suất rất cao, từ 28-30 tấn/ha.

Tiểu khu Cờ Đỏ (Thị trấn Nông trường Mộc Châu ngày nay), chính là cái nôi đầu tiên trồng mận. Tuy nhiên sau này, do ưu tiên canh tác trồng cỏ nuôi bò, nên cây mận ở Cờ Đỏ dần mai một, không còn giữ lại đáng kể.

Ngược lại, vùng mận Pa Khen và nhiều vùng khác ở Mộc Châu, Vân Hồ lấy giống mận từ Tiểu khu Cờ Đỏ lại ngày càng phát triển.

Những năm thập niên 90, cây mận được khuyến khích cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Mộc Châu trồng để xóa cây thuốc phiện, cải tạo vườn tạp. Mận chỉ phát triển mạnh, và thực sự làm giàu trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Che rạp chống mưa đá cho vườn mận

Tháng 6, đã cuối vụ thu hoạch mận, nhưng vườn mận gần 4ha của ông Dũng vẫn lúc lỉu quả, quả nào cũng đều chằn chặn. Những quả mận của vườn ông Dũng bình quân chỉ 15-20 quả/kg, loại đẹp chỉ hơn 10 quả/kg. Từ khi Thung lũng mận Nà Ka trở thành điểm du lịch, vườn mận ông Dũng lúc nào cũng nườm nượp khách tham quan.

Thay vì bán mận cho thương lái như trước đây, mỗi mùa mận tới, du khách đổ về Nà Ka trực tiếp vào các vườn trải nghiệm hái mận, mua mận với giá mận đầu mùa có thời điểm từ 70-100 nghìn đồng/kg.

Sáng kiến che lưới chống mưa đá được ông Dũng áp dụng từ vụ mận năm 2020, giúp bảo vệ an toàn cho vườn mận. Ảnh: Lê Bền.

Sáng kiến che lưới chống mưa đá được ông Dũng áp dụng từ vụ mận năm 2020, giúp bảo vệ an toàn cho vườn mận. Ảnh: Lê Bền.

Chia sẻ về “bí kíp” để có vườn mận quả to, đều, ông Dũng cho biết ngoài các quy trình về tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, ông còn ưu tiên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, nhất là loại phân được ủ từ tro bã mía (mua từ Nhà máy đường Sơn La).

Thông thường, các vườn mận ở Mộc Châu đến mùa mận thì thu hoạch tỉa dần quả chín, vụ thu hoạch kéo dài trong vòng hơn một tháng.

Tuy nhiên theo ông Dũng, cách thu hoạch này khiến cho những quả mận trên cùng một chùm dễ bị tổn thương và chín nhanh hơn. Vì vậy để giữ được vườn mận tới cuối vụ với giá bán cao, mận chín đều, nhất quyết không được thu hoạch tỉa, mà phải giữ nguyên vườn mận cho tới lúc thu hoạch đại trà một lần.

Theo ông Dũng, mận chỉ thích hợp với một số tiểu vùng khí hậu ở Sơn La, nhưng chỗ nào đã trồng được mận thì lại dễ trồng, dễ tính. Cây mận chịu hạn, chịu rét vô địch. Chưa khi nào thấy mận bị chết do nắng hạn hay giá rét, cũng chưa thấy năm nào mận không ra hoa hay bị mất mùa, năm nào cũng sai quả...

Mặc dù vậy, “kẻ thù” lớn nhất của cây mận lại chính là mưa đá. Đặc biệt những năm gần đây, tần suất mưa đá ở Mộc Châu ngày càng nhiều, khiến quả bị rụng vô số. Trong nước mưa, có axit và nấm, nên những quả mận còn sót lại trên cành bị tổn thương vì mưa đá, đến lúc chín cũng rất dễ bị thối, rụng quả do nấm bệnh.

Nhiều năm suy nghĩ, đến vụ mận năm 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng đã nghĩ ra phương án phải có lưới che mưa đá để bảo vệ vườn mận.

Ông đã liên hệ với một nhà máy chuyên sản xuất lưới đánh cá tận TP.HCM, và được doanh nghiệp này giới thiệu loại lưới PVE siêu bền, siêu nhẹ, tuổi thọ có thể từ 7-10 năm, có thể ngăn được mưa đá.

Đầu năm 2020, khi mùa mưa đá sắp tới, ông Dũng đã triển khai đầu tư hơn 100 triệu đồng, đóng cọc tre, chăng lưới che cho vườn mận. Ý tưởng này của ông ban đầu bị bà con xóm giềng cười nhạo là điên, nhưng rất may là nó đã nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Lưới vừa che xong cho vườn mận thì ngày 22/4/2020, đợt mưa đá rất lớn xảy ra ở Mộc Châu khiến nhiều vườn mận thiệt hại nặng. Chỉ riêng vườn mận của ông Dũng thì vẫn bình an, không sứt mẻ một quả nào. Toàn bộ mưa đá, có hạt to cỡ nắm tay đã bị chặn đứng, treo lơ lửng thành từng bọc lớn trên các tấm lưới.

Cách làm của ông Dũng đã nhanh chóng lan tỏa. Đến nay, nhiều hộ dân ở Nà Ka cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để che mưa đá cho vườn mận. Ôn Dũng cho biết sang năm 2021, sẽ tiếp tục đầu tư cọc bê tông kiên cố để che lưới cho toàn bộ vườn mận 4ha của gia đình.

Theo UBND huyện Mộc Châu: Nếu như năm 2015, diện tích cây ăn quả của toàn huyện mới chỉ khoảng 2.800 hathì đến năm 2020 đã phát triển lên hơn 10.000ha (tăng khoảng 3 lần).

Trong đó, Mộc Châu tập trung chủ yếu vào nhóm cây ăn quả ôn đới có lợi thế như mơ, đào, lê, hồng giòn, bơ..., đặc biệt là cây mận. Đến nay, diện tích mận toàn huyện đã tăng lên khoảng gần 3.000ha, chiếm gần 1/3 tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hướng dẫn bà con sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ, Mộc Châu đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhằm đa dạng hóa, gia tăng giá trị các sản phẩm chế biến từ quả mận như mận sấy, siro mận, rượu mận...

Mộc Châu cũng đang đẩy mạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX, nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như các hội chợ, tuần hàng, kết nối tiêu thụ vào các kênh có giá trị cao như siêu thị, hệ thống bán lẻ cho các loại cây ăn quả nói chung, đặc biệt là quả mận nhằm quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ.